Nội dung chính
Nước làm mát đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ động cơ xe ổn định, đảm bảo động cơ không quá nóng dẫn tới những sự cố không đáng có. Vậy nước làm mát xe nâng là gì? Có những loại nước làm mát xe nâng nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Nước làm mát xe nâng là gì?
Nước làm mát xe nâng là dung dịch chuyên dụng gồm nước tinh khiết và etylen glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt, làm mát động cơ hiệu quả. Nước làm mát xe nâng còn chứa các chất phụ gia đặc biệt như chống đóng cặn, chống ăn mòn. Những thành phần này không chỉ bảo vệ các bộ phận kim loại của động cơ và hệ thống làm mát xe nâng mà còn tăng cường hiệu suất làm mát.
Vì thế, dung dịch này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hiệu suất và tuổi thọ của xe nâng. Người dùng cần kiểm tra định kỳ nước làm mát để đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh động cơ bị quá nhiệt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự hoạt động của xe nâng.
Phân loại nước làm mát xe nâng
Nước làm mát cho xe nâng trên thị trường hiện nay có 2 dạng chính gồm nước làm mát pha sẵn và nước làm mát đậm đặc. Cả hai loại này sẽ phù hợp với các nhu cầu sử dụng khác nhau:
- Nước làm mát pha sẵn thường chứa từ 50% – 70% nước tinh khiết và có thể sử dụng trực tiếp bằng cách đổ thẳng vào két làm mát. Loại này được ưa chuộng vì sự tiện lợi mà nó mang lại, người dùng chỉ cần đổ thẳng vào két nước thay vì phải pha.
- Nước làm mát đậm đặc chỉ chứa khoảng 5% nước, khi sử dụng cần pha trộn với nước theo tỷ lệ được đề xuất bởi nhà sản xuất, thường là 1:1 hoặc 1:2, trước khi đổ vào két làm mát.
Để thuận tiện trong việc phân biệt và sử dụng, các nhà sản xuất cũng thường nhuộm màu cho nước làm mát:
- Nước làm mát màu xanh: Loại pha sẵn, có thể sử dụng trực tiếp và nên được thay đổi sau mỗi 2 năm hoặc 2000 giờ vận hành xe.
- Nước làm mát màu đỏ: Yêu cầu phải pha trộn với nước theo tỷ lệ 1:1 trước khi sử dụng và cần thay thế sau 2 năm sử dụng.
- Nước làm mát màu hồng: Cũng là loại pha sẵn, có thể sử dụng trực tiếp và thường có độ bền cao hơn so với hai loại trước, cần được thay thế sau khoảng 4 năm sử dụng.
Thành phần và công dụng của nước làm mát xe nâng
Nước tinh khiết
Nước tinh khiết là nước sạch, không chứa bất kỳ tạp chất nào, có thể sử dụng nước cất hoặc nước đã qua khử i-ôn. Nước làm mát động cơ không thể thay thế bằng nước hay nước sinh hoạt hàng ngày bởi các loại nước này chứa hàm lượng khoáng cao như Ca2+, Mg2+,… Nếu sử dụng có thể dẫn đến tình trạng cặn tích tụ trong hệ thống làm mát, các chất khoáng ở nhiệt độ cao còn có thể gây ra quá trình ăn mòn động cơ.
Ethylene glycol
Đây là chất chống đông được sử dụng phổ biến trong dung dịch làm mát động cơ xe. Ngoài việc giữ cho hệ thống không bị đóng kết, ethylene glycol còn có khả năng dẫn nhiệt tốt, làm tăng độ sôi của dung dịch và cung cấp hiệu suất làm mát động cơ cao hơn.
Trường hợp xe nâng hoạt động ở môi trường có khí hậu lạnh, nước làm mát có thể chống đóng băng ở nhiệt độ thấp. Do đó, đây là một thành thành phần quan trọng trong dung dịch làm mát không thể thiếu trong môi trường lạnh. Tùy thuộc vào điều kiện làm việc cụ thể, tỷ lệ của ethylene glycol trong dung dịch có thể giao động từ 35% – 60%.
Ngoài ra, dung dịch làm mát cũng cần có khả năng dẫn truyền nhiệt tốt khi ở trạng thái lỏng và giảm hiệu suất đáng kể khi chuyển sang trạng thái hơi. Điều này đặc biệt quan trọng khi xe nâng hoạt động ở điều kiện khí hậu nóng cần có nhiệt độ sôi cao, ít chuyển sang dạng hơi ngay khi làm việc ở điều kiện khắc nghiệt.
Các chất phụ gia khác
Nhằm hạn chế tạo cặn và ăn mòn trong hệ thống làm mát và động cơ, nước làm mát sẽ được bổ sung thêm một số phụ gia như chất chống rỉ sét động cơ, chất chống ăn mòn, chất chống tạo bọt và chất tạo màu để dễ dàng nhận biết. Bên cạnh đó, các dung dịch làm mát cao cấp còn được thêm chất tạo màu có khả năng phát quang dưới ánh sáng đèn, giúp phát hiện nhanh chóng khi bị rò rỉ trong hệ thống làm mát.
Tại sao phải thay nước làm mát xe nâng?
Khi xe nâng hoạt động, quá trình đốt cháy trong buồng đốt động cơ tạo ra một lượng nhiệt đáng kể cả trong và ngoài động cơ. Nếu thiếu nước làm mát sẽ dẫn đến tình trạng động cơ sôi và rủi ro bị kẹt piston cao, hay còn gọi là bó biên.
Nước làm mát không chỉ giúp giải nhiệt động cơ mà còn là một trung gian chuyển đổi nhiệt từ động cơ đến hệ thống làm mát. Chất lượng của nước làm mát ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống làm mát. Nếu nước làm mát không đủ hoặc không đảm bảo chất lượng, khả năng giải nhiệt của động cơ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh công của động cơ và hiệu suất làm việc của xe nâng.
Do đó, việc thường xuyên và định kỳ thay nước làm mát cho xe nâng là cực kỳ quan trọng để đảm bảo hiệu suất của hệ thống làm mát, tránh tình trạng động cơ quá nhiệt do thiếu nước làm mát hoặc dung dịch không đảm bảo chất lượng. Thông thường, sau khoảng 2000 giờ sử dụng, người dùng cần thay nước làm mát cho xe.
Sử dụng nước làm mát không đúng hoặc không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Có thể chứa nước sinh hoạt, các ion khoáng và tạp chất khác, tạo thành cặn bẩn khi nhiệt độ tăng, gây giảm khả năng dẫn truyền nhiệt và làm mất khả năng làm mát động cơ.
- Gây mài mòn và oxi hóa bộ phận của hệ thống làm mát như bơm nước và két làm mát, gây tắc nghẽn hệ thống.
- Ảnh hưởng đến khả năng làm mát của hệ thống và hiệu suất làm việc của động cơ xe nâng.
- Trường hợp dung dịch làm mát có độ pH thấp, có thể tạo thành axit, gây ăn mòn chi tiết máy và rò rỉ hoặc hỏng hóc các phần của hệ thống làm mát.
Thời gian thay nước làm mát xe nâng
Thường xuyên kiểm tra và thay nước làm mát cùng việc vệ sinh két nước là điều quan trọng để đảm bảo hiệu suất ổn định của xe nâng. Thông thường cần thay nước làm mát và làm sạch két nước sau mỗi 2 năm là tốt nhất. Tuy nhiên, với những xe nâng thường xuyên vận chuyển hàng nặng hoặc hoạt động trong môi trường thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ cao hoặc đóng băng, nước làm mát có thể cạn nhanh hoặc rò rỉ. Lúc này, cần kiểm tra và thay nước làm mát ngay khi phát hiện dấu hiệu hoặc lượng nước không đủ.
Lưu ý khi sử dụng dung dịch làm mát, nước làm mát xe nâng
Khi sử dụng nước làm mát xe nâng bạn cần lưu ý:
- Không nên tự pha chế nước làm mát cho xe nâng. Điều này đảm bảo an toàn cho cả động cơ và hệ thống làm mát của xe cũng như sức khỏe của bạn.
- Trong trường hợp cần thêm nước làm mát cho xe nâng nên sử dụng loại nước mà xe nâng đã sử dụng trước đó. Không nên pha trộn hay sử dụng nhiều loại khác nhau trên cùng một phương tiện để tránh ảnh hưởng đến khả năng làm mát của hệ thống.
- Dung dịch làm mát thường chứa ethylene glycol (EG) với độc tính cao và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như buồn nôn, đau đầu, đau bụng, thậm chí là mất ý thức. Do đó, khi châm nước làm mát hoặc thay dung dịch làm mát động cơ, bạn cần sử dụng các dụng cụ pha trộn chuyên dụng và đồ bảo hộ đầy đủ để đảm bảo an toàn. Không nếm thử hoặc xả thải dung dịch một cách bừa bãi.
- Để đảm bảo hiệu suất và an toàn, việc chọn mua dung dịch làm mát từ các đơn vị uy tín là rất quan trọng. Người dùng nên tuân theo khuyến nghị của nhà sản xuất xe nâng khi lựa chọn dung dịch làm mát. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa hiệu suất làm mát và bảo dưỡng động cơ của xe nâng.
- Trong trường hợp động cơ quá nhiệt, bạn cần kiểm tra các bộ phận như quạt gió, cửa lùa, két nước làm mát và khắc phục. Nếu mức nước làm mát còn ít hơn quy định, hãy bổ sung ngay để đảm bảo hoạt động ổn định của động cơ
Trên đây là tổng hợp một số thông tin về nước làm mát xe nâng. Hy vọng thông tin trong bài sẽ hữu ích và giúp bạn biết cách sử dụng, thay nước xe nâng khi cần.